a. Hiệp định Sơ bộ
- Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết tại Trùng Khánh: Tưởng nhường cho Pháp được quyền đem quân thay quân đội Tưởng ở miền Bắc nước ta, đổi lại, Pháp trả cho Tưởng một số lợi ích. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã ra quyết sách lịch sử, sáng suốt: Hòa để tiến.
- Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt được ký kết giữa đại diện chính phủ Cộng hòa Pháp, và Hồ Chí Minh cùng Vũ Hồng Khanh, đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nội dung của Hiệp định bao gồm các điểm chính sau đây:
· Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng
· Chính phủ Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay thế cho 200.000 quân Trung Hoa Quốc dân đảng để làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Pháp hứa sẽ rút hết quân trong thời hạn 5 năm, mỗi năm rút 3000 quân.
· Pháp đồng ý thực hiện trưng cầu dân ý tại Nam Bộ về việc thống nhất với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
· Hai bên thực hiện ngưng bắn ngay tại Nam Bộ.
- Về phía người Pháp, họ đã có danh chính ngôn thuận đưa quân đội xâm nhập Bắc Việt Nam để chuẩn bị tái chiếm Đông Dương như họ đã làm ở Nam Việt Nam, đồng thời thoát khỏi sự ngăn cản của các tướng lĩnh Trung Hoa. Về phía người Việt, loại trừ nguy cơ của 20 vạn quân Trung Hoa chiếm đóng, tránh được thế "lưỡng đầu thọ địch" tập trung đề đối phó với người Pháp. Đồng thời, tranh thủ được thời gian hòa hoãn quý báu để củng cố, xây dựng lực lượng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương.
b. Bản Tạm ước
- Mặc dầu Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết, nhưng trên thực tế, thực dân Pháp vẫn âm mưu tách Nam kỳ ra khỏi Việt Nam và bật đèn xanh cho các hành động quân sự nhằm tái chiếm Đông Dương. Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam DCCH đã sang Pháp và tiến hành hoà đàm ở Phông-ten-nơ-blô từ ngày 6-7-1946. Cùng thời gian đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Hoà đàm Phông-ten-nơ-blô không tiến triển được, phải tạm hoãn từ ngày 1-8-1946 do thái độ hết sức ngoan cố, ích kỷ của thực dân Pháp. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp gặp gỡ các nhân vật trọng yếu của Chính phủ Pháp để thoả thuận cho việc nối lại đàm phán. Trong khi đó, ở trong nước, phía Pháp thường xuyên vi phạm những điều khoản của Hiệp định sơ bộ.
- Hội nghị Phông-ten-nơ-blô đã tan vỡ, do Pháp không thật thà đàm phán. Ngày 15-8-1946, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH đã rời Pa-ri về nước. Những bất trắc có thể xẩy ra và nguy cơ một cuộc chiến tranh lan rộng đã đến rất gần. Trước tình hình căng thẳng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lưu lại Pháp ít ngày và quyết định ký với Mu-tê một thoả hiệp tạm thời vào ngày 14-9-1946 (gồm 11 điều khoản). Đây là quyết sách tài tình này đã tạo điều kiện cho nhân dân ta có thêm thời gian hoà bình để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến tất yếu sẽ xảy ra.
- Song chúng ta cũng khẳng định dứt khoát: "Tạm ước ngày 14 tháng Chín là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc!”. Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9 đã xác định giới hạn, nguyên tắc của sự nhân nhượng - đó là không bao giờ làm tổn hại chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét